HỢP TÁC XÃ DVNN XÃ HIỆP LỰC Số: 21 /CV-HTX DVNN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hiệp Lực, ngày 29 tháng 8 năm 2023 |
V/v tiếp tục thông báo hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại lúa đến cuối vụ mùa 2023 | |
Kính gửi: | |
| - Ủy ban nhân dân xã Hiệp Lực - Các ông bà Tổ trưởng Tổ dịch vụ cùng toàn thể xã viên. |
Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đòng già đến thấp tho trỗ, trà mùa trung đang giai đoạn làm đòng đến chuẩn bị trỗ. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiếp tục có nắng nóng kèm mưa dông. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại; đặc biệt cần lưu ý đến những đối tượng sâu bệnh như sâu đục thân, rầy nâu, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt trên các diện tích lúa đang ở thời kỳ đòng đến trỗ bông.
Theo kết quả điều tra của HTX DVNN xã Hiệp Lực tới ngày 28/8/2023:
- Sâu cuốn lá nhỏ: công tác phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 (theo thông báo trước đó) các địa phương đã phòng trừ kịp thời, đạt kết quả tốt. Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ vẫn tiếp tục vũ hóa rải rác và sẽ dồn tích lũy trên diện tích lúa trỗ sau 10/9, gây hại tới lá đòng ảnh hưởng tới năng suất nếu không phòng trừ kịp thời.
- Sâu đục thân hai chấm: sâu đục thân sẽ phát sinh gây hại giai đoạn lúa có đòng đến trỗ.
- Rầy nâu - rầy lưng trắng: đã phát sinh gây hại với mật độ trung bình 200 -500 con/m2, nơi cao 1.500 con/m2 trên diện tích lúa đòng già đến thấp tho trỗ và tiếp tục tích lũy gây hại đến cuối vụ.
- Bệnh khô vằn: Tiếp tục phát triển nhanh gây hại trên nhiều giống lúa, gây hại tới cuối vụ, hại nặng trên diện tích lúa cấy dầy và bón phân không cân đối.
- Bệnh đen lép hạt: Bệnh phát sinh gây hại khi lúa trỗ trong điều kiện thời tiết lúa trỗ gặp mưa, ẩm độ không khí cao, nắng mưa xen kẽ gây hiện tượng lép và đen hạt làm giảm năng suất.
- Bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn: bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn đã phát sinh và gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như: Bắc thơm số 7, BC-15, TBR225, VNR20, đài thơm 8... Trong thời gian tới, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng sau các trận mưa dông lớn nếu không được phòng trừ kịp thời.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với lúa vụ mùa 2023; đồng thời, cũng để tránh tình trạng nông dân phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, HTX DVNN đề nghị:
1. Đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng đến thấp tho trỗ
- Hướng dẫn nông dân phun trừ sâu đục thân hai chấm khi mật độ bướm hai chấm cao hoặc mật độ ổ trứng 0,3–0,5 ổ/m2 cho diện tích lúa thấp tho trỗ (theo phương châm lúa trỗ đến đâu phun đến đó), bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất chlorantraniliprole, Thiamethoxam...như Prevathon5SC, Voliam Targo 63SC, Vitako 40WG ...
Kết hợp phun phòng trừ bệnh khô vằn, bệnh đen lép hạt trên diện tích lúa thấp tho trỗ bằng một trong số các thuốc đặc hiệu như Amylatop 325SC, Nativo 750WG, Tilsuper 300 EC, Nevo 330 EC, Uni-Dipro 300EC..
- Hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông đối với diện tích lúa mẫn cảm với bệnh như BC-15, TBR225, Q5, nếp... (nếu lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết trời âm u, có sương về đêm, ẩm độ không khí cao hoặc có mưa dông...) bằng một trong các loại thuốc sau: Amylatop 325SC, Amistar top 325 SE, , Filia 525 SE, KaTaNa 20SC, Natrivo 750WG, Eminent 125/150SE...
- Hướng dẫn nông dân phun phòng trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ngay sau các trận mưa, dông, nhất là trên các diện tích cấy giống lúa nhiễm (lúa lai; Bắc thơm, BC15, TBR225,...), diện tích cấy dày, diện tích trũng, hẩu, diện tích bón phân không cân đối, lúa xanh tốt, thừa đạm...bằng một trong số các thuốc đặc hiệu như: Xanthomix 20WP, Starner 20WP, Ychatot 900SP, Total 200WP, Lobo 8WP, Probicol 200WP, Avikhuan 105SP, Oka 20WP…
Lưu ý:
+ Cơ cấu giống, khung lịch và thời vụ vụ Mùa của Hiệp Lực là xã đặc thù, gieo cấy sau cùng so với các xã trong toàn huyện Ninh Giang. Do vậy các diện tích sẽ trỗ bông đại trà sau ngày 10/09/2023. HTX DVNN khuyến cáo tới các ông bà Tổ trưởng cùng toàn thể xã viên cần kiểm tra, bám sát đổng ruộng, khi các trà lúa trỗ bông từ 25-30% là phải phun phòng trừ đục thân và khi trỗ thoát xong cần phun nhắc lại bằng thuốc Vitako 40WG. Bởi vì sau 10/09 sâu đục thân sẽ không phân lứa nữa.
+ Liều lượng phun theo hướng dẫn trên bao bì.
+ Khi phun phải đảm bảo đủ 16-20 lít thuốc đã pha cho một sào;
+ Sau khi phun từ 3-4 ngày phải kiểm tra lại nếu phát hiện mật độ sâu non còn cao thì phải phun nhắc lại.
2. Đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn trỗ đến chín
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng đặc biệt trên các giống lúa như VN20, BC15, TBR225, Bắc thơm, nếp… khi phát hiện rầy gây hại với mật độ từ 2000 C/m2 (khoảng 50 C/khóm) trở lên cần phải dùng thuốc đặc trị để trừ rầy.
3. Đề nghị các ông bà Tổ trưởng Tổ dịch vụ: Căn cứ tình hình thực tế diễn biến sâu bệnh gây hại tại địa phương để chỉ đạo bà con nông dân trong việc đưa ra thông báo tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại bảo vệ an toàn lúa Mùa kịp thời, hiệu quả.
4. Đài truyền thanh xã
Tăng thời lượng, tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình dịch hại và kỹ thuật phòng trừ để nông dân nắm bắt và chủ động phòng trừ kịp thời.
Trên đây là thông báo hướng dẫn, chăm sóc và cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa đến cuối vụ Mùa 2023. Đề nghị các ông bà Tổ trưởng Tổ dịch vụ cùng bà con nông dân trong toàn xã thực hiện tốt thông báo trên./.
Nơi nhận: - UBND xã - Đài truyền thanh xã; - Lưu: VT. | TM.HỢP TÁC XÃ DVNN GIÁM ĐỐC BÙI NGỌC ĐIỀM |